ĐỨC TÂN GIÁO HOÀNG LEO XIV

Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost, vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, đã chọn tước hiệu Lêô XIV.

Đức Tân Giáo Hoàng Robert Francis Prevost, vị giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội, đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên thuộc Dòng Thánh Augustinô, sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ.

THÀNH VATICAN (CNS) – Đức Hồng y Robert F. Prevost, vị Tổng trưởng Bộ Giám mục sinh tại Chicago, dưới triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, đã được bầu làm giáo hoàng thứ 267 vào ngày 8 tháng 5 và chọn tông hiệu là Đức Giáo hoàng Lêô XIV.

Ngài là người Bắc Mỹ đầu tiên được tuyển chọn làm Giáo hoàng, và trước Mật nghị Hồng y, ngài là vị hồng y Hoa Kỳ được nhắc đến nhiều nhất như một ứng viên sáng giá cho ngôi vị kế vị Thánh Phêrô.

Khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistina

Vào lúc 6 giờ 07 phút chiều (giờ Rôma), khói trắng bắt đầu bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistina – dấu chỉ cho thấy vị Tân Giáo hoàng đã được tuyển chọn. Vài phút sau, chuông đại thánh đường Thánh Phêrô ngân vang, loan báo tin vui trọng đại.

Khoảng 20 phút sau đó, ban nhạc của cảnh sát Vatican cùng hai mươi thành viên của Đội Vệ binh Thụy Sĩ tiến vào quảng trường Thánh Phêrô. Sau đó, họ được gia nhập bởi ban nhạc diễu hành của lực lượng Carabinieri (một nhánh của cảnh sát quân sự Ý) và các đơn vị khác thuộc quân đội Ý.

Ngay khi tin tức lan truyền, dân chúng từ khắp nơi trong thành phố Rôma đổ về, gia nhập cùng hàng chục ngàn người đang hiện diện tại quảng trường để theo dõi làn khói. Thị trưởng Rôma, ông Roberto Gualtieri, cũng có mặt trong đám đông.

Hồng y công bố “Habemus Papam” – Chúng ta đã có Giáo hoàng
Vào lúc 7 giờ 12 phút tối, Đức Hồng y Dominique Mamberti, Hồng y trưởng phó tế của Hồng y đoàn, xuất hiện trên ban công chính giữa của đền thờ Thánh Phêrô. Ngài nói với cộng đoàn:

“Tôi loan báo cho anh chị em một niềm vui trọng đại: Chúng ta đã có Giáo hoàng (‘Habemus Papam’)”, rồi công bố danh tính của vị tân giáo hoàng bằng tiếng Latinh, cùng với tông hiệu ngài chọn là Đức Giáo hoàng Lêô XIV.

Mười phút sau đó, Đức Tân Giáo hoàng Lêô tiến ra ban công, mỉm cười và vẫy tay chào dân chúng. Ngài mặc áo giáo hoàng trắng, áo choàng đỏ (mozzetta) và dây stola đỏ, để ban phép lành đầu tiên cách công khai “Urbi et Orbi” – “cho thành phố và toàn thế giới.”
Đám đông không ngừng hô vang: “Viva il papa” – “Muôn năm Đức Giáo hoàng!” khi đôi mắt của Đức Giáo hoàng Lêô ánh lên những giọt lệ xúc động.

“Bình an cho anh chị em” là những lời đầu tiên mà Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV ngỏ cùng toàn thể cộng đoàn hiện diện.

“Anh chị em thân mến, đây là lời chào đầu tiên của Đức Kitô phục sinh – vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên của Thiên Chúa,” ngài nói, và cầu xin cho bình an của Đức Kitô được lan tỏa vào tâm hồn mọi người, trong các gia đình và “trên toàn cõi địa cầu.”

Ngài nhấn mạnh rằng: “Bình an của Chúa phục sinh là một nền hòa bình không mang khí giới, và làm cho con tim biết buông bỏ khí giới.”

Bày tỏ sự tiếp nối rõ ràng với triều đại Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Giáo hoàng Lêô tuyên bố: “Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta vô điều kiện,” và rằng Hội Thánh phải luôn mở rộng vòng tay đón nhận tất cả mọi người.

“Tất cả chúng ta đều ở trong tay Thiên Chúa,” ngài nói. “Vì thế, không sợ hãi, chúng ta hãy tiến bước – hiệp nhất, tay trong tay – cùng với Thiên Chúa và với nhau.”

Ngài bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị Hồng y đã tín nhiệm chọn ngài – theo thông tin cho thấy là ở vòng bỏ phiếu thứ tư – để trở thành người kế vị Thánh Phêrô, cùng đồng hành với dân Chúa như một Hội Thánh hiệp nhất, luôn tìm kiếm hòa bình và công lý, và cùng nhau sống ơn gọi làm môn đệ thừa sai của Chúa Kitô.

Ngỏ lời với cộng đoàn, Đức Giáo hoàng nhắc đến căn tính dòng tu của mình: “Tôi là một tu sĩ Dòng Augustinô,” và trích lời Thánh Augustinô:

“Cùng với anh chị em, tôi là một Kitô hữu; vì anh chị em, tôi là một giám mục.”

Ngài nói thêm:

“Cùng nhau, chúng ta phải cố gắng trở nên một Hội Thánh thừa sai – một Hội Thánh xây dựng những nhịp cầu, luôn đối thoại, luôn rộng mở đón nhận tất cả mọi người, như chính quảng trường này giang rộng vòng tay đón nhận mọi người, đặc biệt những ai đang cần đến.”

Với tư cách là Tân Giám mục Giáo phận Rôma, ngài ngỏ lời với dân thành và toàn thể Giáo hội Công giáo:

“Chúng ta muốn trở nên một Hội Thánh hiệp hành – một Hội Thánh luôn tiến bước, luôn tìm kiếm bình an, luôn khát khao sống đức ái, một Hội Thánh gần gũi với dân, nhất là những người đau khổ.”

Sau đó, Đức Giáo hoàng mời cộng đoàn cùng ngài đọc kinh Kính Mừng và ban phép lành trọng thể đầu tiên.

Các Hồng y trên 80 tuổi – không tham dự Mật nghị bầu Giáo hoàng – cũng hiện diện trong quảng trường. Trong số đó có Đức Hồng y Seán P. O’Malley (nguyên TGM Boston), Donald W. Wuerl (nguyên TGM Washington), và Marc Ouellet (nguyên Tổng trưởng Bộ Giám mục).

Đức Giáo hoàng Lêô, năm nay 69 tuổi, từng là nhà truyền giáo lâu năm tại Peru và hiện có hai quốc tịch: Hoa Kỳ và Peru.

Ngày 25 tháng 4, nhật báo lớn của Ý La Repubblica mô tả ngài là người “quốc tế và kín đáo”, đồng thời nhận xét rằng ngài được cả những người bảo thủ lẫn tiến bộ quý mến, và có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong một mật nghị nơi các hồng y không mấy ai quen biết nhau sâu sắc.

Sự hiện diện nổi bật đó đến từ vai trò của ngài trong suốt hai năm qua với tư cách Tổng trưởng Bộ Giám mục – nơi ngài cộng tác mật thiết với Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc lựa chọn các giám mục cho nhiều giáo phận thuộc nghi lễ Latinh. Ngài đã gặp hàng trăm giám mục trong các chuyến thăm “ad limina” tại Rôma, và hỗ trợ các giám mục toàn thế giới trong “mọi vấn đề liên quan đến việc thi hành mục vụ cách đúng đắn và sinh hoa trái.”

Tân Giáo hoàng từng là Giám mục giáo phận Chiclayo, Peru, trước khi được Đức Thánh Cha Phanxicô triệu về Vatican vào tháng 1 năm 2023.

Trong một buổi nói chuyện tại giáo xứ St. Jude ở Chicago vào tháng 8, khi còn là Hồng y, ngài chia sẻ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngài “chính vì ngài không muốn một người xuất thân từ Giáo triều Rôma đảm nhận vai trò này. Ngài muốn một nhà truyền giáo, một người đến từ bên ngoài, một người mang đến cái nhìn khác biệt.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Catholic News Service vào tháng 3 năm 2024, ngài nhận định rằng việc Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ba phụ nữ làm thành viên chính thức của Bộ Giám mục vào năm 2022 – cho phép họ tham gia vào tiến trình lựa chọn giám mục – là “một đóng góp quan trọng vào tiến trình biện phân, để tìm kiếm những ứng viên xứng đáng nhất cho sứ vụ giám mục trong Hội Thánh.”

Để chống lại não trạng giáo sĩ trị nơi các giám mục, ngài nói:
“Điều quan trọng là phải tìm ra những người thực sự có lòng muốn phục vụ, rao giảng Tin Mừng – không chỉ bằng lời lẽ hùng hồn, mà bằng chính chứng tá sống động và đời sống gương mẫu của họ.”
Ngài cũng nhấn mạnh rằng, biện pháp hiệu quả nhất và quan trọng nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô để chống lại não trạng giáo sĩ trị chính là:

“Ngài là một mục tử rao giảng bằng hành động.”

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2023 với Vatican News, Hồng y Prevost lúc đó chia sẻ về phẩm chất lãnh đạo thiết yếu của một vị giám mục:

“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói đến bốn mối tương quan gần gũi mà giám mục cần có: gần gũi với Thiên Chúa, với các giám mục huynh đệ, với các linh mục, và với toàn thể dân Chúa. Không ai được phép rơi vào cám dỗ sống tách biệt, ẩn mình trong cung điện, hài lòng với một vị thế xã hội hay cấp bậc trong Giáo hội.”
Ngài tiếp lời:

“Chúng ta không thể ẩn náu sau một quan niệm về quyền bính không còn phù hợp với thời đại. Quyền bính của chúng ta là để phục vụ, để đồng hành với linh mục, để trở nên mục tử và người dạy dỗ.”

Với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giám mục, ngài cũng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh, nơi quy tụ gần 40% dân số Công giáo toàn cầu.

Sinh ra tại Chicago, Đức Tân Giáo hoàng từng là Bề trên tổng quyền Dòng Augustinô, và đã dành hơn 20 năm phục vụ tại Peru, đầu tiên là nhà truyền giáo Dòng Augustinô, sau đó là Giám mục giáo phận Chiclayo.

Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giám mục và chuyển đến Rôma, ngài chia sẻ với Vatican News rằng các giám mục có sứ mạng đặc biệt là cổ vũ sự hiệp nhất trong Hội Thánh:
“Sự thiếu hiệp nhất là một vết thương đau đớn mà Giáo hội đang phải mang lấy. Những chia rẽ và tranh cãi trong Hội Thánh không mang lại lợi ích gì. Chúng tôi – các giám mục – phải đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình hiệp nhất và hiệp thông trong Giáo hội.” (Tháng 5, 2023)

Vào tháng 9, một chương trình truyền hình tại Peru đưa tin về cáo buộc của ba phụ nữ cho rằng Đức Cha Prevost (lúc đó) đã không hành động đầy đủ đối với một linh mục bị tố cáo lạm dụng họ khi còn là trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, giáo phận đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng Đức Cha đã trực tiếp gặp các nạn nhân vào tháng 4 năm 2022, đình chỉ linh mục khỏi chức vụ, và gửi kết quả điều tra đến Vatican. Cả Tòa Thánh lẫn viện kiểm sát địa phương đều cho rằng không có đủ bằng chứng để tiến hành thêm.

Tiểu sử và học vấn:

Đức Giáo hoàng Lêô chào đời ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois. Ngài tốt nghiệp cử nhân Toán học tại Đại học Villanova (do Dòng Augustinô điều hành) ở Pennsylvania, và gia nhập Dòng Augustinô năm 1977, khấn trọn đời năm 1981.

Ngài lấy bằng thần học tại Catholic Theological Union ở Chicago và tiến sĩ tại Đại học Giáo hoàng Thánh Tôma Aquinô ở Rôma. Ngài bắt đầu sứ vụ truyền giáo tại Peru từ năm 1985, phục vụ tại đây cho đến năm 1999 khi được bầu làm Giám tỉnh của Tỉnh Dòng Augustinô ở Chicago. Từ 2001 đến 2013, ngài là Bề trên tổng quyền Dòng Augustinô toàn cầu. Năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám mục giáo phận Chiclayo, phía bắc Peru, và sau đó cũng giao cho ngài nhiệm vụ Giám quản Tông tòa giáo phận Callao từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021.

Đức Giáo hoàng Lêô XIV nói được các ngôn ngữ: Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Bồ Đào Nha, và đọc hiểu tiếng Latinh và Đức.

https://www.usccb.org/…/chicago-native-cardinal-prevost…