🕊️ Ý NGHĨA CỦA TÊN “LÊÔ XIV”

Lêô – Không chỉ là tên gọi, mà là một định hướng mục vụ
Khi Đức tân Giáo hoàng Robert Francis Prevost chọn danh hiệu Leo XIV, ngài không chỉ đơn giản nối tiếp một truyền thống – mà còn khơi lại một biểu tượng mang sức mạnh lịch sử và thần học sâu sắc.
🔹 “Leo” trong tiếng Latinh có nghĩa là “sư tử”, biểu tượng của sức mạnh, lòng can đảm và sự bảo vệ. Trong Kinh Thánh, sư tử chi tộc Giuđa chính là hình ảnh của Đức Kitô (Kh 5,5).
🔹 Việc chọn tên Leo XIV còn là một đối thoại sâu sắc với vị Thánh Giáo hoàng Leo Cả (Leo I) – người đã bảo vệ đức tin, đối thoại với Attila để cứu thành Rôma, và đóng vai trò nền tảng tại Công đồng Chalcedon, xác tín hai bản tính của Đức Kitô.
🔹 Vị tiền nhiệm gần nhất – Leo XIII (1878–1903) – là người khai mở học thuyết xã hội Công giáo với thông điệp Rerum Novarum, định hình nền tảng đạo lý cho xã hội công nghiệp hiện đại.
🌍 Khi thế giới đang hỗn loạn vì cực đoan, khủng hoảng đạo lý và đứt gãy niềm tin, Leo XIV xuất hiện với sứ điệp đầu tiên là “Bình an ở cùng anh chị em.”
🕊️ Một Giáo hoàng mang tinh thần hòa giải, xây dựng cầu nối giữa các sắc tộc, tôn giáo, và dân tộc.
Ngay từ tên gọi, Đức Tân Giáo hoàng Lêô XIV đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: gắn bó với truyền thống nhưng không ngại đối thoại với thế giới hiện đại.
“Lêô” là cái tên từng gắn liền với một giáo hoàng bảo vệ quyền lợi người lao động, mở cửa Vatican cho khoa học, và cổ võ lòng sùng kính Đức Maria.
Không chỉ là một cái tên – đó là định hướng, là lời hứa, là biểu tượng của sự nối kết giữa quá khứ và tương lai.
Ngay trước khi Đức Thánh Cha Lêô XIV bước ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô, chào thế giới và ban phép lành Urbi và Orbi vào ngày 8 tháng 5, việc ngài chọn tên hiệu “Lêô” đã mang một thông điệp mạnh mẽ.
Khác với Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã chọn một tên hiệu hoàn toàn mới trong lịch sử Giáo hội, Đức Giáo hoàng Lêô lại chọn một cái tên đậm chất truyền thống, nhưng cũng thể hiện sự cởi mở với thế giới hiện đại.
Việc chọn tên “Lêô” là “một sự gợi nhớ trực tiếp đến học thuyết xã hội của Giáo hội và vị giáo hoàng đã khởi xướng học thuyết xã hội hiện đại”.
Đức Giáo hoàng Lêô XIII (nhiệm kỳ 1878–1903) được biết đến với thông điệp “Rerum Novarum”. Đây là thông điệp nói về quyền lợi của người lao động, được xem là văn kiện nền tảng cho học thuyết xã hội Công giáo. Thông điệp này nhấn mạnh phẩm giá của người lao động và lên án những nguy cơ từ chủ nghĩa tư bản không kiểm soát cũng như chủ nghĩa xã hội cực đoan.
Theo ông Bruni, Giám đốc phòng Báo Chí Toà Thánh, cái tên Lêô cũng là lời nhắc nhở trực tiếp về “con người và công việc của họ, ngay cả trong thời đại trí tuệ nhân tạo”.
Đức Lêô XIII cũng là vị giáo hoàng đầu tiên mở kho lưu trữ mật Vatican cho giới học giả, thành lập Đài thiên văn Vatican để chứng minh Giáo hội cởi mở với khoa học, và là giáo hoàng đầu tiên được quay phim bằng máy quay điện ảnh.
Lời chào đầu tiên của tân giáo hoàng, “Bình an ở cùng anh chị em”, cũng gợi lại hình ảnh vị tiền nhiệm Lêô XIII của ngài như một người kiến tạo hòa bình. Đức Lêô XIII đã từng hòa giải Giáo hội với các chính phủ Pháp, Nga, Đức và Anh trong triều đại của mình.
Tên hiệu “Lêô” cũng gợi nhớ đến việc yêu mến Đức Trinh Nữ Maria. Cần phải nhắc tới ở đây, Đức Lêô XIII đã viết 11 thông điệp về Kinh Mân Côi, và là vị giáo hoàng đầu tiên cổ võ ý tưởng Đức Maria là “Đấng Trung gian các ơn”, nghĩa là Mẹ cộng tác trong việc phân phát ân sủng của Chúa Kitô.
Giáo hoàng đầu tiên mang tên Lêô là vào năm 440 – Thánh Lêô Cả – người đã củng cố giáo lý về quyền tối thượng của giáo hoàng dựa trên sự kế vị Thánh Phêrô, và được biết đến là người đã thuyết phục Attila người Hung từ bỏ ý định xâm lược nước Ý vào năm 452.
Một điểm đáng chú ý: Giáo hoàng Lêô X (triều đại 1513–1521) là vị giáo hoàng cuối cùng chưa chịu chức linh mục khi được bầu làm giáo hoàng.
Trong khi đó, vị tiền nhiệm của tân giáo hoàng – Đức Phanxicô – là giáo hoàng đầu tiên từ sau Đức Lando (năm 913) chọn một tên hoàn toàn mới. Trước đó, năm 1978, Đức Gioan Phaolô I cũng đã phá vỡ truyền thống khi không dùng số hiệu riêng, mà ghép tên hai vị giáo hoàng tiền nhiệm của mình.
Trái lại, Lêô là một trong những tên hiệu được chọn nhiều nhất trong lịch sử giáo hoàng, chỉ sau Bênêđictô, Grêgôriô và Gioan. Trong số 13 vị giáo hoàng mang tên Lêô, đã có 5 vị được phong thánh.
Tác gỉả: Justin McLellan
Nguồn: America Magazine